10 Điều Bạn Cần Biết Về Bảo Hiểm Nhân Thọ


Bảo hiểm nhân thọ là công cụ tài chính hữu dụng, cần có ngay tại hầu hết các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp những ưu điểm mà bảo hiểm nhân thọ mang lại, vẫn còn rất nhiều sự nhầm lẫn, và thậm chí là hoài nghi về bảo hiểm nhân thọ.




Có lẽ là do đa số chúng ta đều nghĩ bảo hiểm nhân thọ phức tạp, do cách tư vấn của đại lý bảo hiểm hoặc đơn giản là chúng ta không muốn nhắc tới những rủi ro trong cuộc sống… Nhưng nếu nắm được những thông tin đầy đủ hơn, bạn có thể dễ dàng lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho gia đình của mình. Bài viết Vì sao người Việt ghét bảo hiểm nhân thọ đã nói qua về vấn đề này.

Để giúp đỡ bạn, sau đây là 10 điều bạn cần biết về bảo hiểm nhân thọ:

 
1. Cứ có người phụ thuộc tài chính thì bạn cần phải có bảo hiểm nhân thọ


Bảo hiểm nhân thọ là thứ bắt buộc phải mua nếu bạn có người phụ thuộc vào thu nhập của bạn: vợ/ chồng, con cái, cha mẹ già, anh chị em…

Để đảm bảo cuộc sống ổn định và lâu dài của những người này, bạn cần có 1 khoản tiền bù đắp thu nhập của bạn trong nhiều năm tiếp theo cho những người thân trong trường hợp bạn Qua đời, hoặc Mất đi khả năng lao động.



Có người phụ thuộc tài chính bắt buộc bạn phải có bảo hiểm nhân thọ. Bạn cần 1 khoản tiền từ bảo hiểm nhân thọ để thay thế khi thu nhập của bạn =0


2. Bảo hiểm nhân thọ không đơn giản là Chết và Sống

Bảo hiểm nhân thọ giúp bù đắp những hậu quả nặng nề về tài chính khi người trụ cột chết bất ngờ:

            1. Các khoản nợ ngân hàng, nợ ngoài chưa trả xong.   
            2. Khoản chi phí giáo dục cho con cái.                        
            3. Thu nhập đều đặn mang về gia đình bị mất bất ngờ.

Khi người bảo hiểm chết bất ngờ, bảo hiểm nhân thọ giảm bớt gánh nặng về tài chính cho những người thân còn sống sót. Nếu hợp đồng bảo hiểm đủ lớn, số tiền đền bù của bảo hiểm đủ sức chi trả tất cả các khoản nợ và duy trì cuộc sống của những người thân trong gia đình 15-20 năm tiếp theo.

Rõ ràng, là người trụ cột trong gia đình thì bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm cho bản thân mình, với 1 mệnh giá lớn vừa đủ!

3. Bảo hiểm nhân thọ là 1 hợp đồng bằng văn bản

Nếu nói mua bảo hiểm nhân thọ là vì niềm tin thì cũng đúng, đó là niềm tin về 1 cuộc sống bình an cho gia đình, cho những người thân còn lại trong gia đình khi chúng ta qua đời bất ngờ. Nhưng niềm tin đó được củng cố bằng các chính sách, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm được Bộ tài chính phê duyệt và quản lý.

Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ bao gồm các định nghĩa, điều khoản, quyền lợi, các trường hợp loại trừ, các tuyên bố… rất đầy đủ và chi tiết. Người tham gia bảo hiểm có trách nhiệm đọc kỹ và yêu cầu công ty bảo hiểm giải đáp các thắc mắc chưa rõ trong hợp đồng.


4. Có 4 nhân vật chính trong 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Đó là:

1. Công ty bảo hiểm: Có trách nhiệm thu phí bảo hiểm và chi trả các quyền lợi bảo hiểm dựa trên các điều khoản đã ký kết.

2. Bên mua bảo hiểm: Là người đóng phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm, dựa trên số phí 2 bên đã thống nhất. Bên mua bảo hiểm chính là chủ hợp đồng bảo hiểm.

3. Người được bảo hiểm: Là người được hưởng những quyền lợi cơ bản, quyền lợi chính của hợp đồng bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có trách nhiệm phải chi trả quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp người thụ hưởng gặp các sự kiện bảo hiểm như Tử vong, tai nạn, bệnh nghiêm trọng, nằm viện…

4. Người thụ hưởng: Trường hợp Người được bảo hiểm tử vong, công ty bảo hiểm sẽ đền bù quyền lợi tử vong cho Người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể không cần phải có quan hệ huyết thống với Người được bảo hiểm.

Nếu 1 người tự mua bảo hiểm cho bản thân mình thì người đó vừa là Bên mua bảo hiểm, vừa là Người được bảo hiểm chính của hơp đồng. Người thụ hưởng bắt buộc phải là 1 người khác.



5. Bảo hiểm nhân thọ là công cụ quản lý rủi ro, không phải kênh đầu tư sinh lời

Mặc dù đa số các sản phẩm bảo hiểm đều kết hợp với khả năng tích lũy, sinh lãi từ giá trị hoàn lại của phí bảo hiểm. Tuy nhiên nếu so sánh thì lợi nhuận đầu tư của bảo hiểm trong những năm đầu không thể bằng các hình thức đầu tư khác như ngân hàng, ngoại tệ, vàng,… nhưng lại có ưu điểm là An toàn tuyệt đối và không lo phá sản.

Bảo hiểm nhân thọ là công cụ tài chính giúp gia đình đứng vững trước những rủi ro trong cuộc sống, đảm bảo thu nhập cho người trụ cột, duy trì mức sống hiện tại của gia đình trong nhiều năm, giúp trả hết các khoản nợ còn để lại…

Nếu bạn mua bảo hiểm để bảo vệ cuộc sống những thành viên trong gia đình, thì đó là quyết định đúng! Nếu gửi tiền bảo hiểm để sinh lãi và kỳ vọng lãi cao thì tôi khuyên bạn nên tìm các hình thức đầu tư khác!



6. Có 2 loại bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

1. Bảo hiểm nhân thọ ngắn hạn: Hợp đồng bảo hiểm thường có thời hạn bảo vệ trong 15-20 năm. Sau đó khách hàng đáo hạn, rút tiền về và có thể tham gia 1 gói bảo hiểm mới.

2. Bảo hiểm nhân thọ trọn đời: Hợp đồng bảo hiểm có thể kéo dài tới năm 99 tuổi. Khách hàng có thể đáo hạn trước thời hạn trên, nếu không đáo hạn thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Tùy vào mục đích và nhu cầu bảo vệ mà chúng ta sẽ lựa chọn các gói bảo hiểm khác nhau.


  

7. Bảo hiểm nhân thọ có thể rất đắt tiền, nhưng cũng có thể Rẻ không tưởng tượng được


Phí bảo hiểm rất đắt khi:
            1. Tuổi quá cao.
            2. Sức khỏe không đủ tiêu chuẩn.
            3. Nghề nghiệp mang tính rủi ro cao.

Những khách hàng kể trên không có cơ hội được mua bảo hiểm với mức phí tốt hơn.



Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ có thể rẻ bất ngờ với những người đủ sức khỏe và trẻ tuổi:

             Quyền lợi tử vong đền bù 1 tỷ mà phí đóng chỉ 14 triệu/ năm.vvv

Bạn càng đợi lâu, bạn càng thiệt thòi!Càng tuổi cao, mua bảo hiểm càng thiệt thòi.



8. Cần xác định mệnh giá bảo hiểm và phí bảo hiểm phù hợp

Bạn cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này, 1 người đại lý bảo hiểm có kinh nghiệm sẽ giúp bạn thiết kế giải pháp tốt nhất cho gia đình của mình. Và bạn nhớ nhé, phí bảo hiểm nhân thọ chỉ nên nằm trong khoảng 10-15% thu nhập của gia đình.

9. Bạn nên ký hợp đồng với 1 đại lý bảo hiểm giàu kinh nghiệm

Thời gian tới, bạn có thể mua bảo hiểm nhân thọ online nhờ việc các công ty phát triển hệ thống hiện đại. Tuy nhiên, ở 1 công ty bảo hiểm nhất định thì phí bảo hiểm bạn phải đóng hàng năm sẽ như nhau nếu bạn liên hệ trực tiếp với công ty hoặc đăng ký trực tuyến hoặc qua đại lý bảo hiểm trực tiếp.

Nhưng nếu bạn đang phân vân, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ những đại lý bảo hiểm để giúp bạn trong quá trình Đăng ký và Lấy quyền lợi sau này. Hơn nữa, một đại lý bảo hiểm giàu chuyên môn và kinh nghiệm có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền bằng cách chọn gói bảo hiểm phù hợp và phân loại nghề nghiệp, sức khỏe chính xác.

  
10. Hiểu rõ các quyền lợi và trách nhiệm của bản thân

Một hợp đồng bảo hiểm là văn bản pháp lý được viết rất chặt chẽ và chi tiết, bạn cần nắm rõ các thông tin sau đây:

          1. Quyền lợi của bạn được hưởng là gì? Mức chi trả là bao nhiêu?
          2. Những trường hợp nào được chi trả và không được chi trả?
        3. Phí bảo hiểm đóng trong bao nhiêu năm? Ngày nào của các năm phải đóng tiếp? Có các hình thức nộp phí bảo hiểm nào?
         4. Làm sao để liên hệ với công ty để lấy quyền lợi? Cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Bạn chọn 1 quyền lợi bảo hiểm => Bạn phải nộp phí bảo hiểm, đây là đồng tiền mà bạn vất vả kiếm được nên trách nhiệm của bạn là phải hiểu rõ thứ mình mua. Nếu mua vì ủng hộ thì đừng nên mua!


Tôi nghĩ rằng đa số mọi người đều không thích nhắc tới rủi ro, chết chóc… nhưng thực tế 95% khách hàng đều quan tâm khi tôi ngồi phân tích cho họ kế hoạch của gia đình họ sau khi họ chết. Và 95% số đó đều đồng ý bảo hiểm nhân thọ rất quan trọng với gia đình của họ.

Bảo hiểm nhân thọ là cách thức tốt nhất để bạn bảo vệ những người phụ thuộc tài chính, những người thân và các tài sản trong gia đình nếu không may bạn qua đời. Hãy mạnh dạn liên hệ 1 đại lý bảo hiểm nhân thọ mà bạn thấy tin tưởng nhất để tìm hiểu kỹ hơn về công cụ tài chính mạnh mẽ này nhé!

Nguồn suthatbaohiem.com


Cách tính thu nhập của người Tư vấn bảo hiểm




Nói đến thu nhập của nghề tư vấn bảo hiểm, người ta luôn coi đây là một nghề có thu nhập công bằng, có làm có hưởng, ai làm nhiều sẽ hưởng nhiều, xứng đáng với nỗ lực của họ. Để hiểu rõ được điều này, chúng ta cùng xem công thức tính doanh thu của một người tư vấn:

SỐ NGƯỜI TIẾP XÚC x TỶ LỆ THAM GIA x PHÍ BÌNH QUÂN = DOANH THU

Số người tiếp xúc: là số người mà người Tư vấn gặp gỡ, tiếp xúc, chia sẻ những nhận thức, quyền lợi của bảo hiểm nhân thọ
Tỷ lệ tham gia: là tỷ lệ đồng ý tham gia sau khi được tư vấn
Phí bình quân: là mức phí bình quân của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Và thu nhập của người Tư vấn sẽ là:

DOANH THU x TỶ LỆ % HOA HỒNG = THU NHẬP

Nhìn vào công thức này, chúng ta có thể thấy ngay rằng THU NHẬP của người Tư vấn phụ thuộc chính vào DOANH THU mà người này đem về cho công ty, còn yếu tố HOA HỒNG hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của công ty và quy định phê duyệt của Bộ Tài chính. DOANH THU của người Tư vấn được cấu thành và ảnh hưởng từ ba yếu tố chính là SỐ NGƯỜI TIẾP XÚC, TỶ LỆ THAM GIA và PHÍ BÌNH QUÂN.


Càng tiếp xúc và chia sẻ với nhiều người về bảo hiểm nhân thọ sẽ càng đem lại cơ hội lớn về thu nhập. Ben Feldman, thành viên MDRT suốt đời nổi tiếng thế giới, đã từng nói, “Tôi là người giỏi nhất vì tôi là người bị từ chối nhiều nhất, và điều đó có nghĩa rằng tôi là người gặp nhiều khách hàng nhất.”

Khi mới vào ngành, cũng như bất kỳ một ngành nào khác, tỷ lệ đồng ý tham gia khi được tư vấn thường chưa cao, điều đó là bình thường. Sau một thời gian làm việc, chịu khó học hỏi từ trên lớp đến những người đồng nghiệp, chắc chắn tỷ lệ này sẽ được cải thiện và đem lại kết quả tốt cho doanh thu, đồng nghĩa với công sức làm việc sẽ hiệu quả hơn.


Cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn, thu nhập ngày càng tăng, năng lực của người Tư vấn cũng được cải thiện, đem lại cơ hội tiếp xúc với những khách hàng có thu nhập cao, ổn định. Nhờ đó, mức phí bình quân khai thác được cũng gia tăng, góp phần tăng cao doanh thu.

Tóm lại, nếu xem đây là một công việc nghiêm túc, làm việc một cách có kỷ luật, người Tư vấn cần đặt ra cho mình một mức phấn đấu nhất định ở ba yếu tố trên, thực hiện đúng cam kết với bản thân, chắc chắn sẽ thành công và có mức thu nhập KHÔNG GIỚI HẠN. Người Tư vấn chính là người quyết định mức thu nhập hàng tháng của mình, dựa trên năng lực của chính bản thân.

Việc thiếu nghiêm túc với công việc, thiếu tập trung, thiếu tính kỷ luật tự giác, không học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, chính là những nguyên nhân khiến không ít người đã phải rời khỏi ngành bảo hiểm nhân thọ đầy cơ hội, thách thức và tiềm năng này.

Phần thưởng minh bạch

Một đặc trưng đáng ghi nhận của ngành bảo hiểm nhân thọ, đi cùng với những thách thức, là những phần thưởng vô cùng giá trị về tinh thần cũng như vật chất mà ít ngành nghề nào có thể sánh kịp




N hững danh hiệu cao quý quốc tế như MDRT (Million Dollar Round Table: Thành viên Câu lạc bộ Bàn Tròn Triệu Đô, nơi quy tụ những người Tư vấn bảo hiểm xuất sắc nhất thế giới), hay GIA (GAMA International Awards: Giải thưởng Quản lý Tư vấn Xuất sắc),…là phần thưởng danh dự nhất cho những người Tư vấn Xuất sắc. Không chỉ là danh hiệu, việc tham dự những Hội nghị chuyên ngành quốc tế như MDRT, GAMA, hay APLIC (Asia Pacific Life Insurance Conference: Hội nghị ngành bảo hiểm nhân thọ Châu Á – Thái Bình Dương)…là một cơ hội tuyệt vời để được học hỏi từ những người giỏi nhất, từ đó, phát triển bản thân và hun đúc tình yêu nghề mãnh liệt. Tham dự các chương trình Hội nghị này, ta sẽ chứng kiến những người tư vấn bảo hiểm giỏi nhất thế giới vẫn luôn ham học hỏi thế nào, được học không chỉ từ các diễn giả mà còn từ những người đồng nghiệp tuyệt vời ấy

Không chỉ là những phần thưởng tinh thần, các phần thưởng vật chất khác cũng được trao cho người xứng đáng.

Bạn hãy thử tìm hiểu, có nơi làm việc nào mà ngay trong những tháng đầu tiên khi đi làm, với sự cống hiến đem lại kết quả xuất sắc, mà bạn lại được thưởng bằng những phần thưởng giá trị, những chuyến đi nước ngoài? Chắc là không thể rồi, may lắm thì bạn sẽ được tặng giấy khen! Nhưng ngành bảo hiểm nhân thọ lại vận hành như thế, việc của người tư vấn là làm thật tốt công việc của mình, kết quả tốt sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, hoàn toàn không dựa vào “thâm niên công tác” hay “chức vụ”. Đó chính là tính “minh bạch” và “công bằng” ta luôn mong muốn nhận được khi đi làm.


Ý nghĩa nhân văn của nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ




Trong xã hội, mỗi ngành nghề đều có những chức năng, vai trò và ý nghĩa riêng, đóng góp vào việc làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, khi nói đến ngành bảo hiểm nhân thọ, người ta luôn nhắc đến hai chữ “nhân văn”. Tại sao lại như vậy?


Người dân các nước phát triển trên thế giới luôn xem bảo hiểm nhân thọ như một phát kiến “văn minh” của nhân loại, vì nó giúp thể hiện tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả xã hội.

Bảo hiểm nhân thọ như một phát kiến “văn minh” của nhân loại, vì nó giúp thể hiện tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả xã hội.

1. Với bản thân

Với bản thân, việc tham gia bảo hiểm nhân thọ giúp tạo ra sự độc lập về tài chính, cho dù có chuyện không may xảy ra vẫn có thể tự mình lo cho chính mình mà không phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của bất kỳ ai, không phải trông chờ vào sự trợ giúp của cộng đồng xã hội.


2. Với gia đình

Với gia đình, việc sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thể hiện rõ trách nhiệm giữa những người thân trong gia đình trước những rủi ro trong cuộc sống, cũng như việc cam kết hoàn thành các kế hoạch tài chính dài hạn. Nếu có bất cứ rủi ro không may nào trong cuộc sống, gia đình cũng sẽ chủ động ứng phó mà không phải chạy vạy, vay mượn, nhờ cậy vào họ hàng, bạn bè, cũng như cộng đồng xã hội.

3. Với xã hội

Với xã hội, khi mọi người dân đều có các phương án dự phòng bằng các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trẻ em sẽ không còn phải ra đời kiếm sống sớm vì cha mẹ không may gặp rủi ro qua đời, người già sẽ không còn phải lao động kiếm sống vất vả vì thiếu quỹ dự phòng tài chính khi về hưu, hoặc chẳng may con cái bỏ bê không chăm sóc. Nhờ đó, các nguồn lực xã hội, thay vì dùng để cứu trợ các hoàn cảnh không may, nay sẽ được dùng để tái đầu tư, xây dựng và phát triển đất nước.

4. Với chính người Tư vấn bảo hiểm

Và chính người Tư vấn bảo hiểm chứ không phải ai khác, là người hàng ngày phải vượt qua rất nhiều định kiến xã hội, quan niệm bảo thủ, cái nhìn sai lệch của người dân, để giúp cho họ hiểu được các giá trị tuyệt vời của bảo hiểm nhân thọ. Khi người Tư vấn bảo hiểm vượt qua được những lời từ chối của khách hàng, thuyết phục được khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ, thì cũng là thực hiện sứ mạng đem lại bình an, hạnh phúc và an toàn tài chính cho chính người khách hàng đó. Một người thầy giáo có thể cho con trẻ tri thức, nhưng để con trẻ được đi học thì vẫn cần có học phí. Một người bác sĩ có thể cứu sống tính mạng một con người, nhưng là người bệnh, cho dù có được cứu hay không thì vẫn phải trả viện phí, tiền thuốc men… Một trường học tốt có thể vận động để miễn học phí cho một số trường hợp, nhưng không phải tất cả các chi phí đều được miễn. Một bệnh viện tốt, một bác sĩ tốt có thể miễn viện phí cho một vài bệnh nhân nghèo, nhưng không thể miễn toàn bộ tiền thuốc men. Nhưng một người Tư vấn bảo hiểm tốt, có thể giúp được những trường hợp này, ngay từ khi điều đó còn chưa cần, chưa xảy ra. Và nếu điều đó không xảy ra, khách hàng sẽ có được khoản tiền dành dụm của mình để thay đổi cuộc sống như mơ ước.

Và đó chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nghề Tư vấn bảo hiểm nhân thọ, những người Tư vấn chính là những Sứ Giả Bình An, luôn mang trên đôi vai mình sứ mạng ấy, sứ mạng đem lại “sự thanh thản trong cuộc sống, tương lai cho trẻ thơ, sự an tâm về tài chính, và là bức thông điệp tình yêu thân thương nhất dành cho gia đình” đến với mọi gia đình, đến với cuộc đời.



Những điều cần biết khi mua bảo hiểm nhân thọ để tránh rủi ro

Với nhiều lợi ích thiết thực, bảo hiểm nhân thọ (BNHT) đang ngày một phổ biến trong các gia đình Việt. Nhưng để mua được cho mình một hợp đồng BHNT phù hợp thì không đơn giản một chút nào. Bạn nhất định phải nắm rõ những điều cần biết khi mua bảo hiểm nhân thọ dưới đây để tránh rủi ro.



Mua bảo hiểm nhân thọ như một cách vừa để tiết kiệm, vừa để bảo vệ bản thân và người nhà trước những rủi ro trong cuộc sống là xu hướng ngày càng được nhiều người lựa chọn. Khi nghe tư vấn thì quyền lợi của khách luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng thực tế ghi nhận không ít trường hợp đến lúc xảy ra đau ốm, bệnh tật, nhiều người không được chi trả quyền lợi như thỏa thuận vì vô vàn lý do công ty bảo hiểm đưa ra. Nhưng người tiêu dùng thì không thể “cãi” lại được công ty bảo hiểm vì những điều luật đã được quy định. Vì vậy, để tránh rủi ro bạn nhất định phải chú ý tới những điều cần biết khi mua bảo hiểm nhân thọ dưới đây


Trung thực tuyệt đối khi kê khai hồ sơ yêu cầu bảo hiểm

Đây chính là điều quan trọng đầu tiên khi bạn quyết định mua bảo hiểm nhân thọ.
Trong trường hợp bạn đã tồn tại bệnh từ trước và đã có tiền sử điều trị bệnh ở bệnh viện rồi thì tuyệt đối không được khai khống hồ sơ, không được khai man tình trạng bệnh lý. Bởi vì hiện nay tỉ lệ khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ ngày càng nhiều nên tùy thuộc vào đơn yêu cầu và độ tuổi mà có thể bạn sẽ không được mời đi thăm khám mà sẽ được cấp hợp đồng luôn. 
Tuy nhiên sau này khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và sự kiện đó có nguyên nhân từ căn bệnh đã tồn tại trước thì chắc chắn bạn sẽ không được bồi thường vì nó nằm trong điều khoản loại trừ quyền lợi bảo hiểm. Và bạn sẽ chỉ phát hiện ra điều đó khi rủi ro xảy ra.

Tuyệt đối không tin vào lời cam kết của đại lý tư vấn mà chỉ tin vào những điều khoản trên hợp đồng.

Điều thứ 2 nhất định bạn phải nhớ khi mua bảo hiểm nhân thọ đó là người đại lý tư vấn hợp đồng cho bạn chỉ là cầu nối giữa bạn với công ty bảo hiểm nhân thọ vậy nên trước pháp luật họ không liên quan gì cả. Mà mọi quyền lợi của bạn được quy định rõ ràng từng câu từng chữ từng dấu chấm dấu phẩy trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Và bạn hoàn toàn có quyền tự do cân nhắc và dùng thử cũng như nghiên cứu kĩ hợp đồng trong 21 ngày. Hãy nghiên cứu thật kĩ nhất là các yếu tố loại trừ bồi thường.

Tuyệt đối không kí hợp đồng vì cả nể

Họp đồng bảo hiểm nhân thọ không phải là 1 trò chơi mà nó chính là tương lai của gia đình bạn, là học vấn cho con, là độc lập tài chính khi về già, là bảo vệ trọn vẹn gia đình trước mọi biến cố bất ngờ nên hãy mua bảo hiểm nhân thọ với nhu cầu của bạn đúng với khả năng tài chính của bạn.

Tìm hiểu kỹ các điều khoản quy định trong hợp đồng 

Dù đại lý có tư vấn cho bạn thế nào thì lời nói gió thoảng và điều quan trong là mọi thứ đều có trong hợp đồng hãy đọc kỹ hợp đồng thay vì chỉ nghe tư vấn.
Đọc kĩ, hiểu rõ, thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng là điều kiện tiên quyết để người mua bảo hiểm luôn an tâm, không cảm thấy bị mất tiền oan khi mua bảo hiểm nhân thọ, dù bạn lựa chọn sản phẩm của bất kì công ty nào.

Tuyệt đối không để đại lý ký thay

Nếu bạn đã từng đi gửi tiết kiệm thì bạn cũng sẽ rất quen thuộc với việc kí vào các hóa đơn chứng từ bởi vì ngoài chứng minh thư thì chữ ký chính là cơ sở để bạn nhận các quyền lợi bảo hiểm sau này.
Nếu trong trường hợp đặc biệt buộc phải để đại lý tư vấn hoặc người khác kí thay thì ngay sau đó phải làm ngay thủ tục thay đổi chữ ký về chữ kí của chính bạn.

Không vay tiền để tham gia bảo hiểm

Tham gia bảo hiểm trong khả năng tài chính của mình thông thường từ 10 -15 % thu nhập. Bởi vì đây là 1 kế hoạch dài hạn và bạn sẽ phải đồng hành trong 1 thời gian dài thông thường cũng phải từ 10 -15 năm. Vậy nên hãy tham gia vừa với khả năng của mình bởi vì nó sẽ giúp bảo vệ thu nhập của bạn tương xứng với những gì bạn tạo ra.
Cũng không nên chỉ tham gia cho có bởi vì không may sự kiện bảo hiểm xảy ra bạn sẽ nhận về số tiền qúa nhỏ so với chi phí thực tế mà bạn cần.
Bởi vì phí tham gia bảo hiểm tỉ lệ thuận với quyền lợi bảo vệ và tiết kiệm của hợp đồng. Vậy nên hãy lựa chọn cho mình phí đóng phù hợp nhất với điều kiện tài chính của gia đình.
Trên đây là những điều cần biết trước khi mua bảo hiểm nhân thọ bạn cần nắm được để tránh gặp rủi ro khi mua. Hiểu đúng bản chất của sản phẩm tài chính này cũng như các ứng dụng của nó sẽ giúp chúng ta vượt qua được các quan niệm sai lệch không đáng có khi cân nhắc đến những giải pháp bảo vệ mà bạn hy vọng sẽ không phải dùng đến, nhưng cũng sẽ vô cùng cần thiết nếu muốn đảm bảo cho gia đình và những người thân yêu một tương lai an lành trước những bất trắc khó lường của cuộc sống.

Muốn Trở Thành Nhân Viên Tư Vấn Bảo Hiểm Thành Công: Hãy Gạt "Cái Tôi" Đi!

Thách thức đầu tiên người làm nghề tư vấn bảo hiểm phải vượt qua chính là rào cản tâm lý cá nhân, phải thực sự yêu nghề để có thể thực sự thắng được “cái tôi” của bản thân. Trên thực tế, có người vào nghề chỉ được vài tháng, có người tư vấn được vài khách hàng rồi vội vã rút lui.





Bảo hiểm nhân thọ mặc dù đã chính thức triển khai tại Việt Nam 20 năm qua nhưng vẫn được xem là "mới", bởi rất nhiều người chưa hiểu rõ về nghề nghiệp tư vấn bảo hiểm nhân thọ.

Tham gia bảo hiểm nhiều người còn e ngại cũng là điều dễ hiểu, bởi khách hàng đang bỏ tiền ra mua một sản phẩm, một thứ hàng hóa vô hình. Lấy được niềm tin từ khách hàng là thử thách gian nan của mỗi nhân viên tư vấn bảo hiểm.

Theo một chuyên gia trong nghề chia sẻ, tại sao lại để nhiều người hiểu nhầm bảo hiểm là hình thức đa cấp, lừa đảo chính là trách nhiệm chính thuộc về các công ty. Phải nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của nghề tư vấn bảo hiểm qua các chương trình đào tạo và tuyển dụng. Tư vấn bảo hiểm là một nghề nghiệp đòi hỏi phải có sự cam kết dài hạn và người tư vấn bảo hiểm nhân thọ phải hoạch định ngay từ khi khởi đầu. Khi họ được huấn luyện kỹ lưỡng, khách hàng sẽ luôn coi trọng nghề nghiệp của họ.

Francis Hùng - Tổng Giám Đốc Công Ty Fresh View Training & Consulting - chuyên gia huấn luyện – cố vấn chiến lược kinh doanh cho các công ty chia sẻ 5 tố chất để trở thành một chuyên viên tư vấn bảo hiểm bao gồm: Tố chất của nhà tu hành; Tố chất của nhà tâm lý; Tố chất của một nghệ sĩ; Tố chất của một vận động viên; Tố chất của một nhà toán học.

5 tố chất để trở thành một chuyên viên tư vấn bảo hiểm bao gồm:
1.Tố chất của nhà tu hành;
2. Tố chất của nhà tâm lý;
3. Tố chất của một nghệ sĩ;
4. Tố chất của một vận động viên;
5. Tố chất của một nhà toán học.

Tư vấn bảo hiểm là công việc đầy thách thức, cơ hội thu nhập cao. Vậy làm thế nào để trở thành một nhân viên tư vấn bảo hiểm thành công?

Điều đầu tiên chính là phải am hiểu, nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của khách hàng. Nhân viên tư vấn hay phải đối mặt với sự từ chối của khách hàng với nhiều lý do. Muốn tránh khỏi sự từ chối và để đạt được mục đích giới thiệu và chào bán sản phẩm bảo hiểm tư vấn viên phải hiểu ý khách hàng, nhu cầu của khách hàng để cung cấp đúng sản phẩm khách hàng muốn. Nếu không nhạy cảm và không thông cảm với khách hàng thì vô cùng khó để thuyết phục được khách hàng.

Điều quan trọng thứ hai là phải vượt qua được chính mình. Nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ thường được ví như những chú ong đi tìm mật, chắt chiu mỗi ngày để xây dựng cho mình mạng lưới hoạt động kinh doanh tốt. Bởi thế nhân viên tư vấn cần có khả năng kiềm chế, bình tĩnh và kiên trì, chịu đựng.
1. Am hiểu, và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.
2. Phải vượt qua được chính mình.
3. Thận trọng trong công việc
4. Phải hiểu rõ về các sản phẩm

Thận trọng trong công việc là yếu tố không thể thiếu ở mỗi nhân viên tư vấn. Khi tiếp cận khách hàng cần phải chuẩn bị tài liệu, chuẩn bị kiến thức về sản phẩm, giả sử trước những câu hỏi phía khách hàng đặt ra để lên kế hoạch trả lời trước khi đi gặp khách hàng; đồng thời là khả năng quan sát nhạy bén, nhắc nhở khách hàng đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Nhân viên tư vấn bảo hiểm là nhà tư vấn tài chính, trước hết phải hiểu rõ về các sản phẩm mà mình đem bán, về tính chất bảo hiểm quyền lợi bảo hiểm của từng sản phẩm để tư vấn và định hướng tài chính cho khách hàng có hiệu quả và tạo được niềm tin cho khách hàng đối với công ty. Đồng thời phải tìm hiểu sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh để phân tích và so sánh cho khách hàng thấy tính ưu việt trong sản phẩm của công ty mình.

Về tác phong phải thể hiện sự chuyên nghiệp thông qua cử chỉ, trang phục, lời ăn tiếng nói, có như vậy mới tạo thiện cảm, tín nhiệm đối với khách hàng.

Biết chọn lọc khách hàng cũng là một yếu tố quyết định sự thành công. Nhân viên tư vấn không phải ngồi chờ thời cơ mà phải tìm kiếm nắm bắt thông tin; khoanh vùng mức thu nhập và nhận định khách hàng của mình.

Minh Hoa, nhân viên kinh doanh – tư vấn bảo hiểm nhân thọ công ty Manulife chia sẻ, sau khi liên tục bị khách hàng từ chối, chị không dùng cách tiếp cận qua điện thoại nữa mà chuyển sang chiến thuật gặp gỡ trực tiếp. Chị muốn tiếp cận đến phân khúc khách hàng thượng lưu và đã tự tạo danh sách khách hàng tiềm năng cho mình bằng cách thường xuyên tham dự hội thảo kinh doanh, hội thảo về du học,… Đến những nơi đó, kết bạn với mọi người, giới thiệu về bản thân và để lại danh thiếp của mình và chỉ tư vấn về gói bảo hiểm khi được chính khách hàng hỏi đến và cuối cùng là chị đã có lượng khách dồi dào, người này giới thiệu cho người kia, nhiều hợp đồng đã được ký thành công.

Theo TS. Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, thách thức đầu tiên người làm nghề tư vấn bảo hiểm phải vượt qua chính là rào cản tâm lý cá nhân, phải thực sự yêu nghề để có thể thực sự thắng được “cái tôi” của bản thân mình khi tư vấn cho khách hàng. Trên thực tế, có người vào nghề chỉ được vài tháng, có người tư vấn được vài khách hàng rồi vội vã rút lui.

Hiện nay, xã hội dường như vẫn chưa thực sự xem việc tư vấn bảo hiểm là một nghề. Cái nhìn của nhiều người về nhân viên tư vấn bảo hiểm là những người chuyên đi móc tiền từ túi họ để trục lợi, chứ không phải là đến tư vấn giúp họ xây dựng một kế hoạch tài chính dài hạn cho cá nhân và gia đình. Khi nhận thức xã hội chưa hoàn toàn cởi mở với nghề tư vấn bảo hiểm, thì những thách thức đối với những người hành nghề còn rất lớn và buộc họ phải luôn tự trau dồi kiến thức, văn hóa và nâng cao về nghiệp vụ./.



Theo Trí Thức Trẻ

Cách Xử Lý Từ Chối Bảo Hiểm Nhân Thọ – Thực Ra Chỉ 4 Bước



Dẫn nhập


90% đại lý bảo hiểm đều ghét bị khách hàng từ chối tham gia bảo hiểm nhân thọ, và chỉ có 10% đại lý bảo hiểm còn lại luôn sẵn sàng đón nhận những lời từ chối. Họ cho rằng đó là cơ hội để họ cải thiện kỹ năng tư vấn, và là tiền đề cho sự thành công lâu dài.


Và tất nhiên, 10% con người đó luôn có khả năng thành công cao hơn 90% những con người còn lại. Bởi vì, trong mọi hoàn cảnh, họ luôn cho rằng: từ chối là chuyện bình thường. Nghĩa là hãy coi nó là chuyện đương nhiên và tìm cách giải quyết.

Tôi khuyên bạn nên đọc trước bài Những điều cần biết về nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ để dễ hiểu những nội dung tôi sắp chia sẻ cho bạn phía dưới.
Hàng ngày, vẫn có hàng trăm lời từ chối xảy ra với mỗi chúng ta:
Khi bạn cho con ăn sáng, nó khóc.
Khi bạn nói với vợ/ chồng hôm nay sẽ về muộn, người kia tỏ vẻ không vui.
Khi rủ đứa bạn cafe, nó nói hôm nay bận.…
Khi bạn muốn đối phương làm một điều gì đó, họ không làm theo ý của bạn vì 1 lý do gì đó. Thì đó chính là TỪ CHỐI.
Và với bảo hiểm nhân thọ, sự từ chối là điều hiển nhiên. Khách hàng phải dùng đồng tiền mà họ vất vả kiểm được để mua bảo hiểm, nên không đời nào họ quyết định nếu họ còn “băn khoăn” hoặc “do dự”.
Và việc của bạn là: Tìm ra điều băn khoăn/ do dự đó là gì? Tìm cách giải quyết hợp lý, logic để khách hàng hiểu rằng đó không phải điều cần bận tâm. Bạn sẽ nhận được cái gật đầu nếu làm được điều đó.
400 năm phát triển của bảo hiểm nhân thọ trên thế giới, những người bán bảo hiểm xuất sắc nhất đã đúc rút ra quy trình Xử lý từ chối trong bảo hiểm nhân thọ gồm 4 bước:

 Nội dung:


      Lắng nghe – Đồng cảm.
      Làm rõ – Cô lập vấn đề.
      Giải thích.
      Chủ động chốt hợp đồng.

Bạn tin không? Nếu áp dụng đúng 4 bước này, bạn sẽ bán được bảo hiểm nhân thọ, đồng nghĩa với việc có thể bán được mọi thứ trên đời. Người ta vẫn hay nói vậy.
Tôi lấy 1 ví dụ cụ thể:
Sau khi nghe tôi tư vấn về bảo hiểm và các quyền lợi, vị khách hàng có 2 điều lo sợ:
Một là, lo rằng gửi tiền bảo hiểm thì bị mất giá.
Hai là, tôi thấy như kế hoạch này, năm 60 tuổi tôi có 2 tỷ, nhưng e rằng 2 tỷ vào năm đó chả mua được gì.
Nếu không chuẩn bị trước, có thể tôi sẽ giống như bạn: cảm thấy hoang mang, buồn bã, ủ rũ… Nhưng tôi đã làm ngược lại, tôi áp dụng quy trình 4 bước để hóa giải lời từ chối này.

Bước 1: Lắng nghe – Đồng cảm

Lắng nghe: Tập trung nghe khách hàng chia sẻ, không ngắt lời khi họ đang nói.
Khách hàng: “Anh thấy bảo hiểm cũng hay đấy, nhưng anh nghĩ vài chục năm nữa thì tiền mất giá chả còn được bao nhiêu…”
Đại lý: (Tập trung nghe khách hàng)
Lắng nghe là kỹ năng quan trọng nhất cần có của người tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp.”


Đồng cảm: Giúp khách hàng hiểu rằng “Không chỉ họ nghĩ vậy”, mình cũng giống họ, họ giống mình.
Đại lý: “Vậy là anh đang lo tiền mất giá. Thực sự không chỉ anh, mà đến chính bản thân em trước khi tìm hiểu về bảo hiểm, em cũng nghĩ như vậy” hoặc “Đa số khách hàng khi em tư vấn đều có lo lắng giống như anh vậy”. Nhưng sau khi tìm hiểu chi tiết hơn, thì nhận thấy đó không phải mối lo quá lớn cần bận tâm.”
Kết thúc bước 1: Khách hàng cảm thấy bạn đang quan tâm tới những gì họ nói, và cảm thấy không phải “đề phòng” bạn như trước, họ sẵn sàng nghe tiếp xem bạn sẽ nói gì.

Bước 2: Làm rõ – Cô lập vấn đề

Làm rõ vấn đề: Xác nhận lại rằng: Bạn đã hiểu đúng điều khách hàng nói chưa?
Đại lý: “Có phải anh Trung đang lo lắng rằng tiền mình gửi vào bảo hiểm sẽ bị trượt giá? Nghĩa là số tiền bây giờ gửi vào thì giá trị, nhưng sau nhiều năm nữa thì tiền lấy về sẽ ít giá trị hơn? Và anh cũng lo 2 tỷ đồng bây giờ là số tiền lớn, nhưng 40 năm nữa thì biết đâu 2 tỷ đồng chỉ là 1 số tiền nhỏ? Đó có đúng là những điều anh đang lo lắng không ạ?”.
Khách hàng: “Đúng rồi, đó là những điều anh đang lo lắng đấy”.
Đảm bảo rằng: Bạn đã hiểu đúng điều khách hàng nói.
Cô lập vấn đề: Khoanh vùng & giới hạn các vấn đề trước khi giải quyết.
Đại lý: “Ngoài việc anh lo tiền gửi bảo hiểm bị trượt giá, còn mối lo nào khác khi anh quyết định mua bảo hiểm không?”
Khách hàng: “Không, anh chỉ lo tiền bị mất giá thôi”.
(Nếu khách hàng kể thêm những nỗi lo khác, bạn cần làm lại bước Làm rõ & cô lập vấn đề.)
Kết thúc bước 2: Bạn đã hiểu rõ nỗi lo của khách hàng và xác định được đâu là điều khách hàng băn khoăn nhất, khiến họ chần chừ trong việc ký hợp đồng. Chuyển sang bước 3 – giải quyết vấn đề.

Bước 3: Giải thích, Giải quyết vấn đề

Giải thích: Giải tỏa những vấn đề khách hàng đang gặp phải.
Đại lý: “Anh có đồng ý với em: Cho dù anh cất tiền trong két sắt, để tiền trong ngân hàng, mua vàng, mua chứng khoán thì tiền vẫn mất giá đúng chứ? Như vậy, để tiền ở đâu cũng mất giá, cho dù anh mua bảo hiểm hay không mua.”
“Nếu anh bỏ ra 10% thu nhập để mua bảo hiểm, thì trượt giá chỉ xảy ra với 10% thu nhập đó. Nhưng thực tế, 90% thu nhập anh cất đi hoặc chi tiêu hoặc đầu tư các hình thức khác vẫn bị trượt giá – trượt giá đủ 90% luôn.”
Vì vậy, chúng ta nên cất tiền ở những nơi có thể sinh ra lãi – bù lại trượt giá, ví dụ như ngân hàng, chứng khoán, ngoại tệ… Và bảo hiểm cũng sinh lãi hàng năm giống như ngân hàng (trung bình 7%/ năm, tỷ lệ trượt giá năm 2016 của Việt Nam là 5.5%), tuy không cao bằng các hình thức đầu tư khác nhưng bù lại: an toàn tuyệt đối, và không có nguy cơ bị phá sản…
Cho nên, với bảo hiểm, anh không cần quá lo lắng vì chỉ trượt giá trên 10% thu nhập mà anh đã nộp, lãi suất từ bảo hiểm trong nhiều năm có thể bù đắp lại trượt giá của đồng tiền. Nhưng, nếu không bỏ ra 10% thu nhập để mua bảo hiểm, đứng trước những rủi ro, gia đình sẽ không có khoản tài chính dự phòng, để bù đắp các khoản chi phí cần thiết… như em đã nói trước đó (trong lúc tư vấn).
Nếu hỏi: Trượt giá đồng tiền quan trọng hay Trượt dốc sức khỏe quan trọng hơn? Em nghĩ anh đã có câu trả lời cho riêng mình, mình nên bỏ NẶNG lấy NHẸ anh ạ.
Kết thúc bước 3: Khách hàng hiểu được thực chất vấn đề họ gặp phải không đáng lo. Phụ thuộc vào cách giải thích, và cách nói của người đại lý mà khách hàng sẽ cảm nhận được “vấn đề đã được giải quyết”.

Bước 4: Chủ động chốt hợp đồng



Người bán hàng giỏi là người biết chốt hợp đồng đúng thời điểm.
Đây là lúc bạn chốt hợp đồng, khách hàng có thể ký hợp đồng luôn hoặc đưa thêm lý do để từ chối => bạn lại tiếp tục xử lý lời từ chối mới với quy trình 4 bước nêu trên.
Nhưng bạn đã thành công: Vì lời từ chối ban đầu đã được giải quyết, khách hàng cảm thấy an tâm. Vậy là được rồi.
Đại lý: “Vậy anh Trung vui lòng lấy CMND để em hướng dẫn anh khai thông tin vào Đơn yêu cầu bảo hiểm anh nhé. Anh sẽ để ai là người thụ hưởng hợp đồng này?”.
vân vân & vân vân.

Kết luận


Như vậy, tôi đã giúp khách hàng của mình không còn băn khoăn về vấn đề trượt giá nữa, vì sự thực là: để tiền đâu thì cũng trượt giá hết.
Qua bài viết này, tôi tóm tắt lại 3 điểm mấu chốt khi khách hàng từ chối bảo hiểm nhân thọ:
Thứ nhất: Bạn cần hiểu rằng sự từ chối là điều bình thường trong cuộc sống và trong kinh doanh. Nếu mọi thứ dễ dàng, đã không tới lượt bạn!
Thứ hai: Để giải quyết vấn đề, bạn cần làm theo đúng quy trình 4 bước tôi đã nêu. Đây là quy trình đã được công nhận bởi những bộ óc vĩ đại nhất trong ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới.
Thứ ba: Để làm tốt bước Giải thích, bạn cần dành nhiều thời gian hơn nữa để học về bảo hiểm: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, và cả luật kinh doanh bảo hiểm nữa. Chỉ có vậy mới giúp bạn tự tin hơn trong công việc này.
Chúc bạn thành công!


Nguồn https://suthatbaohiem.com

Cách Tư Vấn Bảo Hiểm Nhân Thọ Thành Công – Thực Ra Chỉ Có 2 Bước



Nhiều người nghĩ rằng để tư vấn bảo hiểm nhân thọ hiệu quả, thành công thì phải dọa nạt khách hàng: “rủi ro lúc nào cũng có sẵn”, từ đó khách hàng cảm thấy “sợ” và phải mua bảo hiểm. Nhưng sai rồi!


Bạn càng làm vậy, khách hàng càng ghét & coi thường công việc của bạn – cho dù nghề tư vấn bảo hiểm là công việc đáng trân trọng.
Vậy làm sao để tư vấn khách hàng bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp, thành công mà không phải dọa nạt? Làm sao để khách hàng cảm nhận được bạn tới vì quyền lợi của họ, chứ không phải vì quyền lợi của bạn?…
Còn với tôi, để tư vấn bảo hiểm nhân thọ thành công chỉ có 2 bước:
1 Nâng cao Năng lực bản thân. 
2.Trau dồi Đạo đức nghề nghiệp.

Và bây giờ, hãy cùng Sự thật bảo hiểm đi chi tiết từng bước nhé, biết đâu sẽ là bất ngờ dành cho bạn – những người chịu khó rèn luyện.

Bước 1: Nâng cao năng lực bản thân

Ngược đời là, ai cũng nghĩ đi bán bảo hiểm là dễ dàng, là “dụ dỗ” nên chẳng cần học, cứ thế gặp khách; cứ nói theo cách mình nghĩ…
Sự thật là: cho dù bạn đã từng làm gì? bạn là ai ngoài xã hội? Thì với bảo hiểm bạn cũng là con số 0 tròn trĩnh mà thôi.
Các bạn có công nhận 1 điều là bạn có “dụ dỗ” hay “van lạy” thì khách hàng cũng không mua bảo hiểm nếu họ thấy thực sự không cần thiết.
Bạn nghĩ rằng bạn đã từng bán hàng, suy ra bạn thừa trình độ để bán bảo hiểm? Nhưng bạn đã lầm! Lầm to rồi!
Bảo hiểm nhân thọ là thứ khó bán nhất trên đời. Muốn là người bán bảo hiểm đỉnh cao? Bạn phải học để nâng cấp trình độ của mình lên, nếu không muốn trở thành những Đại lý bảo hiểm thất bại.
Bạn cần phải biết:
Mình sẽ gặp ai để nói về bảo hiểm?
Hẹn họ như thế nào?
Nói gì khi gặp họ?
Sản phẩm nào tốt nhất cho họ?
Làm sao để họ hiểu những gì mình đang muốn nói?
Nếu họ từ chối thì sao?
Chốt hợp đồng như nào?
Xin lời giới thiệu ra sao?…
Bạn nói rằng “tôi không tự tin”? Đúng rồi. Chỉ khi bạn tự giải quyết được các vấn đề kể trên, bạn mới tự tin được!
Ở bước nâng cao năng lực của bản thân tôi thường chia làm 2 phần để lên kế hoạch học tập:
Tận dụng các khóa học miễn phí.
Đầu tư đi học thêm bên ngoài.
Trách nhiệm nâng cao trình độ bản thân thuộc về bạn. Đừng đổ lỗi cho người khác nếu bạn yếu kém!

Phần 1: Tận dụng các khóa học miễn phí

Làm tư vấn bảo hiểm sướng ở chỗ: được tham gia mọi khóa đào tạo của công ty/ văn phòng/ quản lý: từ học sản phẩm – kỹ năng bán hàng – kỹ năng chăm sóc khách hàng… hoàn toàn miễn phí.
Bạn sẽ học được rất nhiều thứ:
Kỹ năng lập kế hoạch.
Phương pháp tìm kiếm khách hàng & lọc khách hàng.
Kỹ năng gọi điện: đặt hẹn, tư vấn, chốt Sales.
Kỹ năng tư vấn, trình bày, thuyết phục.
Kỹ năng giao tiếp.
Kỹ năng chăm sóc khách hàng.
Kỹ năng làm việc nhóm.
Kỹ năng thuyết trình.…
tự học bảo hiểm là điều quan trọng nhất
Hãy học nhiều hơn. Bạn phải ý thức rằng Học là trách nhiệm của bạn, tốt cho bạn, chứ không phải tốt cho quản lý của bạn.
Tôi biết có những mô hình công ty bảo hiểm, họ đầu tư cực nhiều tiền cho việc đào tạo nội bộ, thuê chuyên gia trong, ngoài nước về để đào tạo, hỗ trợ đại lý mới. Họ rất mong muốn các Đại lý nâng cao trình độ, khả năng tư vấn để tốt cho chính Đại lý, và tốt cho công ty.
Nhưng sự thật thì: Các lớp học thì giá trị & tốn kém nhưng chỉ có số ít người tham gia (đây chính là những người thành công lâu dài với nghề), còn đại đa số đều lấy đủ các thứ lý do để vắng mặt – họ nghĩ rằng mình giỏi rồi, không cần học. Và chả bao lâu mà bị OUT.
Nếu nghề này đơn giản như bạn nghĩ, thì đã không đến lượt bạn đâu. Bạn là Tư vấn bảo hiểm thành công hay Tư vấn bảo hiểm có nguy cơ bị OUT? Là do bạn chọn!

Phần 2: Đầu tư học thêm bên ngoài

Các khóa học tại công ty trang bị cho bạn kiến thức, kỹ năng nền tảng về bảo hiểm. Bạn có thể áp dụng theo, làm nhuần nhuyễn, liên tục cải tiến rồi sẽ thành công. Thành công lớn hay nhỏ tùy thuộc vào quyết tâm của từng người.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thành công nhanh & vang dội hơn? Bạn cần đầu tư học thêm bên ngoài nữa. Đầu tư có nghĩa là: Thời gian + Tiền bạc.
Hãy tìm học các khóa học có giá trị thực tế cao. Bởi như vậy mới tốt cho bạn khi “thực chiến”!
Bạn có thể học:
Các video trên youtube về kỹ năng tư vấn, xử lý từ chối…
Các blog bảo hiểm nhân thọ của nước ngoài/ trong nước.
Sách/ báo về bảo hiểm tại Việt Nam.
Học các khóa đào tạo chuyên sâu của các trung tâm đào tạo.
Học từ những người thành công trong nghề.…
Không có gợi ý hoàn chỉnh nào dành cho bạn, tùy vào “khả năng đầu tư” & nhu cầu mà bạn lựa chọn cách thức học phù hợp cho mình.

Khách hàng sẽ mua gói bảo hiểm do bạn tư vấn khi:

Họ hiểu bảo hiểm nhân thọ là gì?
Họ hiểu tại sao gia đình họ nên tham gia?
Họ hiểu các quyền lợi bảo hiểm mà họ được nhận?
Họ thấy tin tưởng ở bạn, vì vậy họ tin tưởng công ty bạn?

Nếu cuộc tư vấn không để đạt được 4 yếu tố đó, khách hàng sẽ không bao giờ ký hợp đồng. Bạn nên nhớ điều đó!
Các khóa học sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề trên – khi bạn lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu bạn “quá yếu đuối”, không vượt qua khó khăn đơn giản nhất của nghề mà tôi đã liệt kê trong bài viết này – thì thật khó để bạn có thể theo được tới cùng!

Bước 2: Trau đồi đạo đức nghề nghiệp

hãy là người bán hàng có đạo đức
Đây là bước cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn 5-10 năm nữa bạn vẫn là một tư vấn bảo hiểm thành công…
Có đạo đức nghề nghiệp là khi bạn hiểu rằng:
1.      Công việc của bạn là tư vấn những gói bảo hiểm phù hợp, còn quyết định cuối cùng thuộc về khách hàng. Bạn không có quyền dọa dẫm hay ép buộc người khác.
2.      Người cần mua bảo hiểm đầu tiên của gia đình đó là người trụ cột, sau đó mới tới người phụ thuộc chứ không phải chỉ mua cho những đứa con.
3.      Không được phép nói sai, bịa đặt thông tin về sản phẩm/ công ty vì đó là lúc bạn hủy hoại chính quyền lợi của khách hàng, tương lai của bạn & danh tiếng của công ty.
4.      Không được phép xúi khách hàng làm sai, nhất là những khách hàng không đủ điều kiện mua bảo hiểm nhân thọ.
5.      Không vi phạm các điều luật của công ty bảo hiểm: Nói xấu công ty khác, Cho khách vay tiền, Cắt hoa hồng, Ký thay khách, Thu tiền khi không có phiếu thu, Cầm tiền nhưng không nộp về công ty…
6.      Không được phép nói bảo hiểm nhân thọ là kênh đầu tư lãi suất cao, gửi vài năm thích là rút về. Đừng hại chết chính mình nữa!
Hình phạt nhẹ nhất nếu vi phạm nội quy công ty là Cảnh cáo, nặng nhất là Blacklist của ngành bảo hiểm (cấm làm bảo hiểm 2 năm). Cho dù phạt nặng hay nhẹ thì điều đó cũng thể hiện bạn quá tồi.

Đạo đức là thứ quan trọng nhất giúp bạn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào lâu dài. Đó là điều chắc chắn!

Nếu bạn là đại lý bảo hiểm nhưng không biết các điều trên? Đó là lỗi của bạn và người quản lý. Nhưng không sao, vẫn còn thời gian cho bạn sửa sai.

>> Đọc nhiều Câu chuyện bảo hiểm sẽ giúp bạn cảm được bảo hiểm nhân thọ rất gần gũi với cuộc sống. Hãy đưa sự gần gũi, chân thành tới khách hàng của bạn trong mỗi cuộc tư vấn. Bạn sẽ thành công.

Tư vấn bảo hiểm nhân thọ có thể không quá dễ, nhưng nếu bạn trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cộng thêm những đạo đức nghề nghiệp cao quý, tôi tin rằng bạn sẽ không còn thấy khó khăn như trước. 

Bạn sẽ thành công theo cách bạn muốn nếu bạn quyết tâm!


Nguồn https://suthatbaohiem.com

 
Copyright (c) 6.2017 by Bùi Qúy Đôn
Liên kết Blog cùng: Hội Thánh Tin Lành Kiền Bái